LUẬT GIA VŨ - CHÂN TÍN DẪN ĐƯỜNG

KHÁI QUÁT NHỮNG ĐIỂM MỚI BLTTHS 2015

NHỮNG NỘI DUNG LỚN CƠ BẢN  CỦA  BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ 2015

 

1. Phân định mạch lạc, chính xác các giai đoạn tố tụng.

Quá trình giải quyết vụ án hình sự phải trải qua nhiều giai đoạn. Phân định chính xác, mạch lạc các giai đoạn tố tụng có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để quy định đầy đủ quyền, nghĩa vụ, trình tự, thủ tục, thời hạn nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu, yêu cầu của tố tụng hình sự.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố chung trong một phần (Phần thứ Hai) và chỉ có 04 điều luật dành cho giai đoạn truy tố được đặt ở cuối cùng. Cách thiết kế cũng như số lượng điều luật như vậy chưa phù hợp với yêu cầu của một giai đoạn của tố tụng. Đồng thời, Bộ luật bố trí trình tự xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm thành 03 phần độc lập (Phần thứ Ba, Phần thứ Tư và Phần thứ Sáu). Thi hành án mặc dù được quy định là một phần trong Bộ luật nhưng luôn là vấn đề gây tranh luận trong thực tiễn áp dụng.


BLTTHS năm 2015 xác định tố tụng hình sự có 05 giai đoạn: Khởi tố; điều tra; truy tố; xét xử; thi hành án. Trên cơ sở đó, đã điều chỉnh khung kết cấu của BLTTHS,

khẳng định thi hành án là một giai đoạn của tố tụng hình sự; đây là giai đoạn quan trọng, có ý nghĩa đưa kết quả của toàn bộ quá trình tố tụng thực thi trên thực tế, do đó cần phải tiếp tục điều chỉnh
 

2. Quy định đầy đủ, cụ thể trình tự, thủ tục và các hoạt động tố tụng trong từng giai đoạn nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm

Trong giai đoạn khởi tố: Trên cơ sở 10 điều của Bộ luật hiện hành, BLTTHS năm 2015 xây dựng Chương khởi tố vụ án hình sự gồm 20 điều luật với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung. Thứ nhất, làm rõ các khái niệm “tố giác về tội phạm”, “tin báo về tội phạm”, “kiến nghị khởi tố” nhằm giải quyết những vướng mắc đặt ra trong thực tiễn (Điều 144). Thứ hai, quy định đầy đủ, cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiếp nhận và giải quyết các nguồn tin về tội phạm nhằm xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích người dân tham gia đấu tranh chống tội phạm (các điều 146, 147, 151, 152). Thứ ba, điều chỉnh thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố từ 02 tháng lên 04 tháng nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn; đồng thời, để bảo đảm chặt chẽ, Bộ luật quy định việc gia hạn phải do Viện kiểm sát quyết định nhằm tránh lạm dụng, kéo dài thời gian giải quyết (Điều 147). Thứ tư, quy định cụ thể các biện pháp được phép áp dụng trong giai đoạn này nhằm khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành (Điều 147). Thứ năm, cho phép tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm khi thuộc các trường hợp luật định (Điều 148). Thứ sáu, quy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng (các điều 159, 160, 161).

Trong giai đoạn điều tra: Thứ nhất, bổ sung đầy đủ các biện pháp điều tra nhằm đáp ứng yêu cầu phát hiện tội phạm, như: Các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp cưỡng chế tố tụng, biện pháp nhận biết giọng nói, định giá tài sản, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Thứ hai, quy định chặt chẽ căn cứ và thủ tục tiến hành các biện pháp điều tra có ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền cơ bản của con người, của công dân, như: Biện pháp khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu (Chương XIII). Thứ ba, quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra (CQĐT) nhằm phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, chống bức cung, nhục hình, đồng thời là căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng luật (Điều 183). Thứ tư, bổ sung và quy định đầy đủ các trường hợp tách, nhập, chuyển vụ án nhằm bảo đảm việc điều tra đúng thẩm quyền, khách quan, toàn diện (Điều 169 và Điều 170). Thứ năm, bổ sung trường hợp tạm đình chỉ điều tra khi đã hết thời hạn điều tra mà chưa có kết quả định giá tài sản, tương trợ tư pháp (Điều 229).

Trong giai đoạn truy tố: Thứ nhất, bổ sung và quy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng công tố và chức năng kiểm sát trong giai đoạn truy tố (Điều 236 và Điều 237). Thứ hai, quy định Viện kiểm sát cấp trên phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa thay cho quy định “ủy quyền” hiện nay nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn (Điều 239). Thứ ba, nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong nội bộ, Bộ luật quy định mọi quyết định tố tụng do Viện kiểm sát cấp dưới ban hành phải gửi cho Viện kiểm sát cấp trên; Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ các quyết định này nếu thấy trái pháp luật (Điều 240). Thứ tư, bổ sung quy định cho phép nhập, tách vụ án trong giai đoạn truy tố để phù hợp với thực tiễn giải quyết (Điều 242). Thứ năm, quy định chặt chẽ các căn cứ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhằm tránh lạm dụng, kéo dài thời gian giải quyết; đồng thời, quy định trường hợp Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần thiết phải trả cho CQĐT thì Viện kiểm sát trực tiếp bổ sung chứng cứ để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án (Điều 245 và Điều 246).

Trong giai đoạn xét xử: Thứ nhất, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, Bộ luật bổ sung quy định Tòa án yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng không nhất thiết phải trả lại hồ sơ cho Viện kiểm sát; quy định cụ thể các trường hợp Tòa án trực tiếp xác minh, bổ sung chứng cứ (Điều 252 và Điều 284). Thứ hai, quy định khi xác định vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố thay vì chuyển trực tiếp cho Tòa án có thẩm quyền xét xử như hiện nay (Điều 274). Thứ ba, quy định chặt chẽ sự có mặt của bị cáo, người bào chữa tại phiên tòa nhằm bảo đảm quyền bào chữa của họ, đồng thời, tránh lợi dụng làm ảnh hưởng đến kế hoạch xét xử của Tòa án (Điều 290 và Điều 291); bổ sung quy định về tạm ngừng phiên tòa với thời hạn tối đa là quá 5 ngày, thay vì mọi trường hợp phải hoãn phiên tòa với thời hạn tối đa 30 ngày như hiện nay (Điều 251). Thứ tư, sửa đổi “giới hạn xét xử” trên cơ sở nguyên tắc việc xét xử được giới hạn trong phạm vi truy tố, truy tố tới đâu – xét xử tới đó; tuy nhiên, trường hợp cần xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại, nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn (Điều 298). Thứ năm, nhằm thể hiện rõ nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, Bộ luật không chia thành thủ tục xét hỏi và thủ tục tranh luận như hiện hành mà nhập chung thành thủ tục tranh tụng tại phiên tòa (từ Điều 306 đến Điều 325). Thứ sáu, quy định Tòa án sẽ không mở phiên tòa nếu có căn cứ xác định việc điều tra, truy tố trước đó vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; tuyên bố bị cáo vô tội nếu không đủ chứng cứ kết tội (các điều 280, 260, 326). Thứ bảy, để bảo đảm nguyên tắc hai cấp xét xử, Bộ luật bổ sung những người có quyền kháng cáo và điều chỉnh phạm vi kháng cáo cho phù hợp (Điều 331). Thứ tám, quy định cụ thể thủ tục tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm nhằm bảo đảm tranh tụng thay vì cách dẫn chiếu sang thủ tục sơ thẩm như hiện nay; bổ sung đầy đủ thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm (các điều 355, 357, 358).
3. Phân định hợp lý thẩm quyền giữa các cơ quan tố tụng và giữa các cấp tố tụng

Nói đến tố tụng hình sự là nói đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa các cơ quan tố tụng trong quá trình đi tìm sự thật của vụ án, BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng:

Đối với Cơ quan điều tra: Thứ nhất, nhằm giảm số lượng vụ án do cơ quan tố tụng cấp Trung ương thụ lý, để cấp này tập trung cho công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới, Bộ luật quy định CQĐT cấp Trung ương có thẩm quyền điều tra tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét cần trực tiếp điều tra. Thứ hai, quy định vụ án thuộc thẩm quyền của cấp huyện nhưng CQĐT cấp tỉnh rút lên để điều tra phải đáp ứng điều kiện “xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài” thay cho quy định “xét thấy cần trực tiếp điều tra” hiện nay nhằm tránh sự tùy nghi, lạm dụng. Thứ ba, quy định CQĐT Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyên trách điều tra tội phạm trong lĩnh vực tư pháp, theo đó, có thẩm quyền điều tra “tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp quy định tại Chương XXIII, Chương XXIV của Bộ luật hình sự mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp” (Điều 163). Thứ tư, quy định cụ thể thủ tục và trách nhiệm chuyển vụ án nhằm bảo đảm việc điều tra đúng thẩm quyền (Điều 169). Thứ năm, mở rộng diện cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với lực lượng Kiểm ngư nhằm đáp ứng yêu cầu điều tra tội phạm trên biển và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo từ phương diện hoạt động tư pháp (Điều 35).

Đối với Viện kiểm sát: Bộ luật bổ sung, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát phải: Thứ nhất, thực hành quyền công tố từ khi CQĐT giải quyết nguồn tin về tội phạm (Điều 159). Thứ hai, quy định cụ thể trách nhiệm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra và trách nhiệm chuyển vụ án khi phát hiện việc điều tra không đúng thẩm quyền (các điều 145, 165, 169). Thứ ba, quy định bắt buộc Kiểm sát viên phải có mặt khi CQĐT tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét (các điều 189, 190, 191, 193, 201, 202, 204). Thứ tư, quy định bắt buộc Kiểm sát viên phải hỏi cung khi bị can kêu oan, bị can khiếu nại hoặc khi phát hiện hoạt động điều tra vi phạm pháp luật (Điều 183). Thứ năm, để kiểm sát kịp thời, đầy đủ hoạt động điều tra, Bộ luật quy định: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án, CQĐT có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho CQĐT (Điều 88).

Đối với Tòa án: Thứ nhất, phân định hợp lý thẩm quyền giữa các cấp Tòa án nhằm tháo gỡ khó khăn cho cấp huyện; theo đó, bổ sung cho Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử các vụ án có yếu tố nước ngoài, vụ án liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người (Điều 268). Thứ hai, quy định đầy đủ thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự nhằm khắc phục những vướng mắc của pháp luật hiện hành (Điều 272). Thứ ba, quy định thẩm quyền của Tòa án trong việc xem xét, kết luận tính hợp pháp các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa; xem xét, kết luận tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do các chủ thể tố tụng thu thập, cung cấp (Điều 260). Thứ tư, quy định cụ thể các trường hợp và cách thức Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ (Điều 252). Thứ năm, quy định trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm tranh tụng.

5. Tăng quyền, tăng trách nhiệm cho các chức danh tư pháp

- Tăng cho Điều tra viên các thẩm quyền: Thứ nhất, yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; thứ hai, triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; thứ ba, quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ; quyết định dẫn giải người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại; thứ tư, quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; thứ năm, thi hành lệnh phong tỏa tài khoản (Điều 37).

- Tăng cho Kiểm sát viên các thẩm quyền: Thứ nhất, trực tiếp giải quyết và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; thứ hai, triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; thứ ba, yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, đề nghị thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; thứ tư, bắt buộc có mặt khi CQĐT tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét; thứ năm, yêu cầu CQĐT truy nã, đình nã bị can; thứ sáu, quyết định áp giải người bị bắt, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, bị hại; thứ bảy, quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân để giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội (Điều 42).

- Tăng cho Thẩm phán các thẩm quyền: Thứ nhất, quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện biện pháp cưỡng chế; thứ hai, quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản; thứ ba, yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; thứ tư, yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; thứ năm, quyết định việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử (Điều 45).

6. Đổi mới chế định chứng cứ và chứng minh cho phù hợp với tình hình mới

Chứng cứ và chứng minh là một trong những vấn đề quan trọng nhất của tố tụng hình sự.
Nhằm tháo gỡ những bất cập trong pháp luật hiện hành, BLTTHS năm 2015 đã có những đổi mới quan trọng trong vấn đề chứng cứ và chứng minh. Thứ nhất, thay đổi khái niệm chứng cứ theo hướng phá thế “độc quyền” trong việc thu thập chứng cứ (hiện đang chỉ giao cho cơ quan tố tụng); theo đó, bổ sung cho người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ, người bị buộc tội có quyền đưa ra chứng cứ (Điều 86). Thứ hai, quy định cụ thể cách thức người bào chữa thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh gây khó khăn trong thực tiễn thực hiện (Điều 88). Thứ ba, bổ sung và quy định cụ thể trách nhiệm, trình tự, thủ tục các cơ quan tố tụng tiếp nhận và đánh giá chứng cứ do những người tham gia tố tụng cung cấp (Điều 88). Thứ tư, bổ sung vào hệ thống nguồn chứng cứ gồm: Dữ liệu điện tử; kết quả định giá tài sản; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác (Điều 87). Thứ năm, quy định cụ thể trình tự, thủ tục thu thập, phục hồi dữ liệu điện tử nhằm bảo đảm tính khách quan, tính nguyên trạng và tính có thể kiểm chứng của loại chứng cứ đặc thù này (Điều 107). Thứ sáu, bổ sung nguyên tắc loại trừ chứng cứ “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án” nhằm khắc phục những biểu hiện tùy tiện, vi phạm phạm quyền con người, quyền công dân có thể xảy ra trong quá trình chứng minh về vụ án
7. Hoàn thiện chế định giám định tư pháp

Giám định tư pháp là hoạt động đặc biệt, được thực hiện bởi các chuyên gia nhằm kết luận về chuyên môn đối với những vấn đề được trưng cầu. Những kết luận này giúp cơ quan tố tụng đưa ra quyết định đúng đắn về vụ án.

, BLTTHS năm 2015 đã có những điều chỉnh quan trọng. Thứ nhất, xây dựng 10 điều luật điều chỉnh đầy đủ các nội dung liên quan đến giám định. Thứ hai, bổ sung đầy đủ những vấn đề cần phải trưng cầu giám định nhằm bảo đảm tính chính xác, khách quan, toàn diện trong quá trình chứng minh vụ án (Điều 206). Thứ ba, phân nhóm hợp lý các vấn đề cần trưng cầu và quy định thời hạn giám định cho từng nhóm (Điều 206 và Điều 208). Thứ tư, bổ sung những người có quyền yêu cầu giám định trên cơ sở giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa trách nhiệm chứng minh trong vụ án hình sự với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng (Điều 207). Thứ năm, xác lập cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình trưng cầu và sử dụng kết quả giám định; theo đó, quy định trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định trong thời hạn 24 giờ phải gửi quyết định trưng cầu giám định và kết luận giám định cho Viện kiểm sát, trong thời hạn 07 ngày phải thông báo kết luận giám định cho người tham gia tố tụng (các điều 205, 213, 222). Thứ sáu, nhằm bảo đảm tính khách quan, Bộ luật quy định cụ thể thành phần và thủ tục giám định bổ sung và giám định lại (Điều 210 và Điều 211). Thứ bảy, bổ sung cơ chế nhằm giải quyết xung đột giữa các kết luận giám định; theo đó, quy định trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền quyết định giám định lại và kết luận giám định trong trường hợp này có hiệu lực để giải quyết vụ án (Điều 212).

Những sửa đổi, bổ sung nêu trên sẽ tháo gỡ căn bản những vướng mắc trong công tác giám định. Đồng thời, đặt ra trách nhiệm cao hơn cho cơ quan tố tụng và cơ quan giám định phải phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm nguyên tắc kịp thời, chính xác, tiết kiệm trong tố tụng hình sự.

8. Luật hóa các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Ở Việt Nam, biện pháp điều tra đặc biệt (biện pháp nghiệp vụ) mới chỉ được đề cập có tính nguyên tắc trong các luật chuyên ngành (Luật An ninh quốc gia, Điều 24; Luật Phòng, chống ma túy (Điều 13) và giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Do BLTTHS chưa quy định biện pháp điều tra đặc biệt nên chưa phát huy cao hiệu quả của các biện pháp này, nhiều trường hợp lãng phí nguồn chứng cứ quan trọng có ý nghĩa trực tiếp chứng minh tội phạm. Trên thực tế, các Điều tra viên một mặt phải đối diện với những rủi ro trong quá trình đấu tranh chống tội phạm, nhưng đồng thời cũng gặp không ít khó khăn trong việc chuyển hóa chứng cứ để được pháp luật công nhận. Đặc biệt, trước yêu cầu của Hiến pháp năm 2013: Mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật định đã đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu và xử lý nghiêm túc, thấu đáo vấn đề này.

Trên cơ sở cân nhắc các điều kiện cụ thể của nước ta về mọi mặt, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, các cam kết quốc tế của Việt Nam và tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung một chương mới để luật hóa biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Thứ nhất, các biện pháp được phép áp dụng bao gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử (Điều 223). Thứ hai, quy định chặt chẽ các trường hợp áp dụng chỉ đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền.

LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT TNHH LUẬT GIA VŨ

Địa chỉ trụ sở chính:

Tầng 3 tòa PCC1 Thanh Xuân, số 44 Triều Khúc,
Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân, Hà Nội

Chi nhánh Miền Trung:

Xóm 13, Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An

Chi nhánh Miền Nam:

15 Bà Lê Chân, Tân Định, Quận 1, TPHCM

Chi nhánh Quảng Ninh:

Số 9 Long Tiên, Bạch Đằng, Hạ Long, Quảng Ninh

Chi nhánh Hải Dương:

305 Lê Thanh Nghị, Thanh Bình, Hải Dương, Hải Dương

Người liên hệ:

 Giám đốc – Vũ Văn Nhất

Tổng Đài Tư Vấn: 

1900.6183

Email:

vannhatlhn@gmail.com

Giờ mở cửa: 

8h – 18h30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu + Buổi sáng Thứ Bảy

 

 
Hotline
Video Luật Gia Vũ

Tin mới